Đường Thạnh Xuân 25 (quận 12, TP.HCM) sẽ được nâng cấp, mở rộng để giải quyết ùn tắc giao thông và tình trạng ngập nước trong khu vực.
Sáng 2-8, UBND quận 12 khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đường Thạnh Xuân 25. Đây là tuyến đường đi qua 2 phường Thới An và Thạnh Xuân của quận, kết nối TP.HCM với tỉnh Bình Dương. Việc thi công dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Dự án dài 2,8km, có vốn đầu tư gần 490 tỉ đồng. Khi hoàn thành, mặt đường sẽ được đầu tư đồng bộ bê tông nhựa với hệ thống thoát nước, cây xanh và chiếu sáng. Trong đó 416m từ đường Lê Thị Riêng đến cầu Sắt Sập sẽ được mở rộng ra 30m; hơn 2,3km đoạn còn lại sẽ mở rộng ra 14m.
Bà Khu Trần Thanh Thủy (người dân khu vực) chia sẻ đường có lượng xe qua lại ngày càng đông, nhất là giờ cao điểm. Hiện trạng mặt đường nhỏ hẹp, không có hệ thống thoát nước nên thường bị ngập.
Ghi nhận sáng 2-8, trên đường nhiều chỗ bị nước đọng thành vũng lớn.
Ông Từ Nguyễn Đức Bằng - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 12 - cho biết dự án khi hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập nước, từng bước chỉnh trang đô thị và góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông quận 12 theo quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Minh Chánh - phó chủ tịch UBND quận 12, quận nằm ở cửa ngõ Tây Bắc, có kết nối giao thông quan trọng với các trục đường lớn của thành phố như quốc lộ 22, quốc lộ 1 và các tỉnh lộ khác.
Dưới sự tác động mạnh của quá trình đô thị hóa và tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, việc đầu tư xây dựng các dự án, nhất là đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật là điều hết sức cần thiết với quận.
Ngoài mở rộng đường Thạnh Xuân 25, trong năm 2024 quận sẽ tiếp tục khởi công một số công trình nạo vét, kiên cố hóa bờ bao kênh rạch và thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng một tuyến đường ở phường Tân Thới Hiệp để đầu năm 2025 khởi công.
Nạo vét, kiên cố bờ bao tại 4 tuyến rạch
Sáng cùng ngày, 4 công trình nạo vét, kiên cố hóa bờ bao tại 4 tuyến rạch ở 3 phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông (quận 12) cũng được khởi công. Tổng chiều dài 4 công trình hơn 4,5km, với quy mô nạo vét sâu trung bình 0,5-1m.
Hiện các tuyến rạch này bị bùn lắng bồi, nhiều cây cối lớn và cỏ dại mọc phủ kín hai bên bờ và trong lòng rạch làm cản trở dòng chảy, dẫn đến khả năng thoát nước giảm.